Biophilic Design – Lịch sử kiến trúc xanh kết nối với thiên nhiên

Biophilic Design – Lịch sử kiến trúc xanh kết nối với thiên nhiên

Biophilic Design (Thiết kế ưa Sinh học) ra đời như một giải đáp khả thi cho bài toán: Làm thế nào con người có thể tiếp tục dựng xây mà không cầm tù chính mình.

Biophilic Design (Thiết kế ưa Sinh học) hướng đến việc tạo lập kết nối giữa con người với thiên nhiên nhằm cải thiện chất lượng sống. Khởi nguồn của kiến trúc vốn xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm sự an toàn và ổn định của con người. Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, tổ ấm dần trở thành hộp kín ngăn trở ta khỏi thiên nhiên. Ấm áp dần trở thành ngột ngạt, an toàn biến thành kìm hãm, ta nhận ra rằng ngôi nhà nhỏ của mình chỉ thực sự đem lại chất lượng sống tốt nhất khi nó được kết nối với ngôi nhà lớn – tự nhiên. Con người được sinh ra từ tự nhiên, dù có xây dựng được biết bao nền văn minh đỉnh cao thì trong ta luôn tồn tại một khao khát bản năng được hướng về Mẹ thiên nhiên. Ta cảm thấy thư giãn sau khi được tắm biển, leo núi hay cắm trại; cơ thể trở nên năng động, tâm trạng sảng khoái đầu óc hoạt bát, sáng tạo hơn. Vì thiên nhiên vốn đã nuôi sống bao bọc ta từ khởi nguyên của loài người.

Biophilic Design Nhà hàng Noma ở Copenhage

Nhà hàng Noma ở Copenhagen, thiết kế bởi StudioThulstrup. Thiết kế tập trung vào vật liệu gỗ mộc và giàn địa y gây ấn tượng mạnh mẽ, là sự liên tưởng đến rừng cây Bắc Âu.

BIOPHILIC DESIGN: NGUỒN GỐC VÀ PHÁT TRIỂN

Biophilic Design không phải là một phong trào mới xuất hiện, mà trên thực tế nó đã bắt rễ và hiện diện suốt chiều dài lịch sử kiến trúc nhân loại. Cái tên Biophilic Design bắt nguồn từ thuật ngữ Hy Lạp cổ đại – “biophilia”, nghĩa là tình yêu của những sinh vật sống. Thuật ngữ này được nhà tâm lý học Erich Fromm sử dụng đầu tiên, sau được phổ biến bởi nhà sinh vật học Edward O. Wilson vào năm 1984 khi ông phát hiện ra quá trình đô thị hóa đang dần ngắt đi kết nối của con người với thiên nhiên.

Dạng thức ban đầu của Thiết kế ưa Sinh học chính là những hình khắc muông thú xuất hiện trong đền Göbekli Tepe, tượng nhân sư Ai Cập hay hình lá nguyệt quế hiện diện trong những điện thờ ở Hy Lạp. Hơn cả tính biểu tượng, mọi nền văn hóa trên thế giới đều có cách riêng để đem cảm hứng thiên nhiên vào nơi cư trú. Những ví dụ tiêu biểu có thể kể đến là kiểu vườn sân trong Alhambra của Tây Ban Nha, cây bonsai trong nhà Nhật, chậu cá bằng sứ thời Trung Hoa cổ đại, hồ cây cói Papyrus ở nhà những quý tộc Ai Cập hay vườn nhỏ kiểu nông thôn ở Đức kỳ Trung Cổ. Sự xuất hiện trải dài này là minh chứng cho việc Biophilic Design không phải là một ý niệm mới được khai sinh gần đây mà thực ra là một mảng khoa học ứng dụng, kết tinh từ lịch sử, trực giác của con người và khoa học thần kinh cho thấy việc duy trì sự gắn kết với thiên nhiên giúp duy trì sự tồn tại lành mạnh và đầy khí lực của những con người thành thị.

Cuộc sống đô thị mới với khuynh hướng đề cao sự riêng tư đang vô tình giới hạn mỗi chúng ta vào chiếc hộp của riêng mình. Con người mất dần sự kết nối với hệ sinh thái và tìm cách bù đắp cho sự thiếu thốn ấy bằng muôn dạng hình mô phỏng thiên nhiên hoặc tái kết nối với không gian bên ngoài. Từ thế kỷ 19, khi dân số đô thị bắt đầu tăng nhanh dẫn theo một loạt các vấn đề phát sinh về vệ sinh dịch tễ, các nhà quy hoạch châu Âu đã nhận ra vai trò quan trọng của thiên nhiên trong việc thanh lọc môi trường sống. Những chiến dịch kêu gọi trồng công viên công cộng lớn được triển khai để cải thiện sức khỏe cộng đồng và giảm căng thẳng cho người dân thành phố. Đến giữa thế kỷ 19, thiết kế cảnh quan chính thức được xem là một bộ môn mỹ thuật và được giảng dạy tại các trường kiến trúc ở Pháp. Các bệnh viện cũng dần đưa yêu cầu về ánh sáng mặt trời và khung cảnh thiên nhiên vào trong thiết kế bởi chúng có thể giúp bệnh nhân hồi phục tốt hơn.

Biophilic Design Nhà hàng Noma ở Copenhage 02

Nhà hàng Noma ở Copenhagen, thiết kế bởi StudioThulstrup. Thiết kế tập trung vào vật liệu gỗ mộc và giàn địa y gây ấn tượng mạnh mẽ, là sự liên tưởng đến rừng cây Bắc Âu.

Cảm hứng thiên nhiên trong kiến trúc càng trở nên thăng hoa vào thời kỳ Art Nouveau khi những tòa nhà lớn ở Bỉ được dàn đầy những họa tiết dây leo uốn lượn của KTS tài hoa Victor Horta; và không thể quên kể đến những chiếc đèn kính màu Tiffany với chụp đèn hình hoa lá được chế tác tinh xảo, thể hiện màu sắc mô phỏng tự nhiên quyến rũ đến choáng ngợp. Sang đến giai đoạn Kiến trúc Hiện đại, những cảm hứng thiên nhiên được hữu hình theo cách tinh tế hơn qua vân gỗ và bề mặt đá thô ráp, đại diện cho sự kết nối nội – ngoại thất giữa tòa nhà và quang cảnh xung quanh. Le Corbusier mặc dù nổi danh với phong cách thiết kế táo bạo, ưa thích tạo lập những khối nhà nổi bật hẳn lên khỏi quang cảnh xung quanh lại có những công trình để đời mang yếu tố thiên nhiên mạnh mẽ. Ví dụ như Villa Savoye (biểu tượng kiến trúc vĩ đại của thế kỷ 20) với phần nhà trên cột giải phóng không gian, mái hiên và cửa sổ băng dài giúp bắt trọn khung cảnh của rừng cây rộng lớn xung quanh. Sang đến công trình Villa “Le Lac”, Le Corbusier tạo điểm nhấn nghịch lý bằng cách giới hạn tầm nhìn, hướng ô cửa tập trung về phía biển; tường nhà cũng được dựng từ đá thô và thiết kế để “nương theo ánh mặt trời”.

Thời kỳ công nghiệp mạnh mẽ ở phương Tây từng kéo sự phát triển kiến trúc đi theo hướng nặng nề bê tông hóa, xa cách với tự nhiên. Nhưng sang đến thập niên 1990, kiến trúc xanh chính thức được coi trọng và phổ biến dựa trên những minh chứng thuyết phục rằng thiên nhiên giúp tăng hiệu suất làm việc và cải thiện chất lượng sống. Đến năm 2004, Thiết kế ưa Sinh học dần được phổ biến mạnh ra toàn thế giới thông qua các hội nghị kiến trúc toàn cầu và sách báo. Các tiêu chuẩn xanh cũng dần được áp dụng vào việc xây dựng những tòa nhà cao tầng bởi việc tích hợp thiên nhiên vào nơi làm việc có thể giúp tăng năng suất và tính sáng tạo, cải thiện kết quả học tập, hồi phục sức khỏe, liên kết cộng đồng,… Oliver Heath Design một trong những công ty nổi bật về Biophilic Design đã tổng hợp những chỉ số quan trọng minh chứng cho những tác động tích cực của loại hình thiết kế này lên đời sống. Cụ thể, thiết kế lớp học có vật liệu gỗ giúp trẻ em có tâm lý và nhịp tim ổn định hơn, hiệu quả học tập cũng tăng đến 26%. Trong khi đó, bệnh nhân được tiếp xúc với không gian xanh trong bệnh viện cho thấy chỉ số xuất viện nhanh hơn 8,5% so với người chỉ nằm trong phòng kín. Các khách sạn áp dụng Kiến trúc ưa Sinh học cũng có xu hướng thu hút khách hàng ở lại lâu hơn dù giá phòng của họ thường cao hơn mức trung bình 23%. Việc tương tự cũng xảy ra ở các trung tâm thương mại, nơi có khoảng xanh và ánh sáng tự nhiên thường sẽ hút khách tham quan tốt hơn và khuyến khích họ chi tiêu, quay trở lại lần nữa. Đặc biệt hơn cả, khi Biophilic Design được đưa vào thiết kế văn phòng, cảm giác gần gũi thiên nhiên giúp năng suất lao động tăng thêm 6%, sức sáng tạo tăng 15%, sự tập trung tăng 15% và tỷ lệ vắng mặt giảm xuống 15%. Các khu chung cư với diện tích cây xanh hơn cũng có tỷ lệ tội phạm ít hơn 8% và thu hút dân cư mạnh mẽ.

Biophilic Design Swedish Forest Retreat

Swedish Forest Retreat thiết kế bởi Norm Architects ứng dụng phương pháp Mô phỏng tự nhiên qua bảng chất liệu gỗ, đá, sợi lanh, đất nung cùng tầm nhìn bao quát về phía rừng tuyệt đẹp, bình yên nhưng cũng nắm giữ nhiều bí ẩn hào hứng.

Sau đại dịch COVID-19, chúng ta càng nhận thức được tầm quan trọng của việc tạo lập môi trường sống lành mạnh, gần gũi thiên nhiên. Và để ứng dụng thành công Biophilic Design, ta có thể bắt đầu bằng việc tìm hiểu những đặc tính chính. Dựa trên cách khai triển, Biophilic Design có thể được chia thành ba loại: Tự nhiên trong không gian, Mô phỏng tự nhiên và Tính tự nhiên của không gian.

BA LOẠI BIOPHILIC DESIGN

TỰ NHIÊN TRONG KHÔNG GIAN

Là cách thiết kế trực quan, đúng trọng tâm. Bằng cách đưa các yếu tố thiên nhiên như cây cỏ, gió, nước và mùi hương vào không gian sống, ta tạo ra kích thích đa giác quan. Hình thức thiết kế này tạo lập một kết nối ý nghĩa và mạnh mẽ tới gia chủ. Các chi tiết chứa đựng ký ức cá nhân hay liên quan đến sở thích, do đó sẽ hình thành cảm giác gắn bó về mái ấm. Khi đó, ngôi nhà nhỏ của ta được kết nối với ngôi nhà lớn thiên nhiên thông qua những dòng cảm xúc rung động mạnh mẽ.

Ứng dụng cơ bản nhất có thể kể đến việc trang trí bằng những chậu cảnh, thảm hoa, vườn treo, dàn phun sương, hồ cá, giếng trời. Xa hơn nữa là những ô cửa kính mở tầm nhìn tuyệt đẹp về phía biển phía rừng, là những luồng gió mơn man da thịt trong những chiều Hè ngoài ban công hay chỉ đơn giản là vệt nắng ấp áp ghé ngang đón chào ta mỗi sớm thức dậy. Những kết nối giản dị cho ta với tay ra khỏi “chiếc tổ” của mình để được hòa tan trọn vẹn vào dòng chảy sôi động không ngừng của sự sống.

MÔ PHỎNG TỰ NHIÊN

Cách tiếp cận gián tiếp thể hiện sự hiện diện của thiên nhiên thông qua chất liệu, vật trang trí, màu sắc, hình dáng hay chuỗi họa tiết trang trí. Phong cách này đại diện cho sự tinh tế được bày tỏ qua những món nội thất mang hình dáng hữu cơ, những mềm mịn của mặt vải, thô ráp của sợi cói đan, ấm áp của phản gỗ hay phóng khoáng như mặt sàn đá hoa cương đầy những vân sóng sánh như nắng vàng.

Một căn nhà mang sự phối hợp nhuần nhuyễn, đa dạng trong chất liệu thể hiện khuynh hướng kết nối tới thiên nhiên mạnh mẽ. Con người gửi sự tri ân của mình bằng cách để thiên nhiên hiện diện trong từng nhịp sinh hoạt. Không chỉ để ngắm nhìn mà còn để tương tác và đem lại trải nghiệm dễ chịu nhất. Nét đẹp tự nhiên được tinh lọc phù hợp với nhiều phong cách nội thất từ cổ điện đến hiện đại, từ mộc mạc phóng khoáng đến tối giản khiêm nhu. Thiên nhiên trở thành cái hồn của những chế tác tài tình. Các thiết kế này chứa đựng nhiều tiềm năng, khơi gợi sự yên bình thư thái qua bản hòa ca các chất liệu. Phong cách Địa Trung Hải, đồng quê hay Bắc Âu là những ví dụ tiêu biểu nhất cho sự mô phỏng này. Với sự kết hợp ánh sáng thích hợp, các NTK có thể gửi gắm cả thiên nhiên rộng lớn vào mái ấm thân thương.

Biophilic Design Gutshof Guldenhof

Gutshof Guldenhof thiết kế bởi Heim Balp Architekten và nghệ sĩ Danh Vo với tầm nhìn khoáng đạt ấn tượng cùng cách bài trí sáng tạo, thể hiện sự kết nối chặt chẽ với thiên nhiên mà không quên ghi dấu ấn đặc thù của người nghệ sĩ gốc Việt.

TÍNH TỰ NHIÊN CỦA KHÔNG GIAN

Khái niệm này có thể được giải thích một cách đơn giản là nhìn thế giới nhân tạo dưới lăng kính của tự nhiên. Chúng ta được sinh ra từ tự nhiên, ta được bảo bọc và vật lộn sinh tồn trong thế giới rộng lớn ấy. Phức hợp cảm xúc ta có được từ những trải nghiệm đó đã khắc sâu vào những chuỗi ADN, nhạy bén đến mức chỉ một gợi ý nhỏ cũng đủ kích hoạt những rung động mạnh mẽ. Bằng việc mô phỏng những cảm giác choáng ngợp ta có được khi đối diện với sự hùng vĩ của thiên nhiên, các KTS tạo ra những trải nghiệm thú vị, kích thích trí tò mò, khơi gợi sự hưng phấn hoặc làm nổi bật cảm giác ấm cúng của nơi “trú ẩn”. Ba yếu tố chính trong Tính tự nhiên của không gian bao gồm: Viễn cảnh, Nơi trú và Bí ẩn.

Tồn tại trong mỗi chúng ta là khao khát nội tại được nhìn xa hơn, giải phóng tầm mắt mình khỏi những giới hạn. Yếu tố này khi đưa vào thiết kế kiến trúc được thể hiện qua những ô cửa rộng lớn với tầm nhìn bao quát, những ban công vươn rộng, những giếng trời tràn nắng, gác lửng hay những bức tường, vách kính trong suốt tạo quang cảnh liền lạc. Đây chính là Viễn cảnh mà con người muốn hướng đến, nó đại diện cho sự tự do và cảm giác kết nối với sự vĩ đại của thiên nhiên. Nếu Viễn cảnh tập trung vào sự mở rộng thì Nơi trú lại nhấn mạnh vào cảm giác an toàn ấm áp. Ta quan sát bên ngoài từ góc nhỏ riêng tư kín đáo. Trong cuộc sống hiện đại, đó có thể là những góc làm việc cá nhân nhìn ra phố, góc đọc sách trong thư viện, hay nơi sofa ấm áp có tầm nhìn về phía vườn… Cuối cùng là yếu tố Bí ẩn nhằm khơi gợi sự hào hứng trong chúng ta. Những đoạn hành lang dài ẩn chứa những góc ngoặt hứa hẹn, những bài trí nghệ thuật bất ngờ và táo bạo khiến ta thích thú, hay những ô cửa kính táo bạo trên những toà nhà cao tầng khiến ta phải nín thở khi nhìn xuống.

Biophilic Design 5 Cửa hàng bên trong Bảo tàng Quốc gia Qatar

Cửa hàng bên trong Bảo tàng Quốc gia Qatar thiết kế bởi Takada Architects. Với cảm hứng thiết kế từ những hang động phần hoàn thiện gỗ cuộn xoắn, uốn lượn từ trần lên tường khiến ai cũng phải choáng ngợp khi ngắm nhìn.